Mô tả Huân chương Dũng cảm (Serbia 1912)

Huân chương Vàng

Huân chương Vàng có hình tròn đường kính 30 mm. Mặt trước huân chương là hình ảnh người phụ nữ nhìn sang trái, mặc giáp, đội mũ miện trang trí bằng vòng nguyệt quế, trên ngực là biểu tượng của Vương quốc Serbia - hình đại bàng hai đầu đội vương miện. Dọc theo mép huân chương là dòng chữ tiêu đề viết bằng chữ Kirin với ngôi sao năm cánh ở cuối. Bên dưới hình ảnh nhân vật này là tên viết tắt của tác giả Đorđe Jovanović và năm "1912". Mặt sau huân chương ghi chữ Kirin "за храстост" (cho cây sồi)[lower-alpha 1] trong vòng nhánh nguyệt quế (dài) và nhánh sồi (ngắn) gắn với hình tấm khiên quốc huy Serbia. Huân chương có lỗ để luồn dây ruy băng qua.[5][10][11]

Mặt sau Huân chương Dũng cảm hạng Vàng (1912); Bộ sưu tập đồ trang trí tại Bảo tàng Vojvodina (danh mục kiểm kê số 308)

Hình tượng người phụ nữ trên huân chương là phúng dụ quốc gia cho Serbia.[5][12][13] Nhà nghiên cứu Milovan Medenica cho rằng Jovanović tạo nên hình tượng này dựa trên hình ảnh và ký ức về nữ anh hùng người Serb Milica Stojadinović,[14] nhưng các nhà nghiên cứu khác không đề cập đến chi tiết này.[15][16][17] Huân chương Vàng mô phỏng kiểu mẫu Marianne nhìn nghiêng của Pháp[8][18] chỉ khác rằng nhân vật nữ anh hùng người Serb thể hiện cho lòng dũng cảm.[18] Medenica chỉ ra rằng cả Jovanović và vua Petar đều là những người sành sỏi về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật Pháp; bản thân nhà vua cũng từng nhận được huân chương Pháp với mô típ hình người phụ nữ nhìn nghiêng (vua Petar nhận Bắc Đẩu Bội tinh khi tình nguyện tham gia Chiến tranh Pháp–Phổ).[18]

Huân chương được đeo ở ngực trái, bằng dải băng moiré đỏ rộng 40 mm gấp thành hình tam giác quay đầu nhọn xuống dưới.[19][20][21] Một số tác giả cho rằng huân chương được đúc từ hợp kim vàng[1][22][23] còn sử gia nghệ thuật Radomir Stolica viết rằng huân chương Vàng làm bằng đồng mạ vàng.[24] Nhà nghiên cứu Boris Prister khảo cứu mẫu vật tại Bảo tàng Lịch sử Croatia thì cho rằng chất liệu là bạc mạ vàng.[25] Các nhà nghiên cứu về đồ trang trí Serbia Pavel Car và Tomislav Muhić chỉ ra hai biến thể huân chương Vàng: một loại bằng hợp kim đồng và vàng, còn loại thứ hai bằng đồng mạ vàng. Đồng thời mô tả cách mạ vàng của loại thứ hai không phải theo kiểu mạ truyền thống mà vàng và đồng đã được trộn với nhau. Car và Muhić khi nghiên cứu sâu hơn thấy rằng cả hai loại đều được đúc trong cùng một khuôn, chưa rõ tại đâu nhưng rất có thể là xưởng chế tác tại Viên.[26] Nhà nghiên cứu Lazar cùng hai tác giả này cũng mô tả một biến thể huân chương Vàng khác có nhiều dị biệt với mẫu vật chính thức và cho rằng có thể đó chỉ là sản phẩm (mẫu) thử nghiệm. Huân chương thử nghiệm này bằng đồng mạ bạc, đúc từ khuôn khác với các chi tiết thô ráp hơn.[26][27] Chúng có đường kính 30 mm, hình ảnh người phụ nữ ở mặt trước còn quốc huy Serbia ở mặt sau. Gerić đưa ra giả định đây là mẫu đề xuất không được chấp nhận hoặc mẫu chào hàng từ xưởng nào đó chưa rõ.[27]

Hầu hết các tác giả đều xác định thời gian trao Huân chương Vàng 1912 này không dài, chỉ khoảng sáu tháng, nên số lượng thực tế tặng thưởng rất ít.[28] Lý do là quan niệm phụ quyền không chấp nhận biểu tượng lòng dũng cảm người lính lại thể hiện qua hình ảnh phụ nữ, kiểu mẫu trang trí như vậy là không phù hợp.[29][30][31] Sau đó, vào Chiến tranh Balkan lần thứ hai năm 1913, huân chương mới thay thế với khắc họa nam tính hơn bằng hình ảnh anh hùng huyền thoại người Serb Miloš Obilić[32][33][34] dựa trên mẫu huân chương Montenegro sử dụng trong cuộc chiến này.[18] Nhà nghiên cứu Miloš Žikić và Boris Tomanić cho rằng huân chương cũ vẫn tiếp tục được trao tặng sau thời điểm trên, song song với huân chương mới, tới tận Chiến tranh thế giới thứ nhất.[35]

Từ khía cạnh thẩm mỹ, huân chương vàng có vẻ đẹp phi thường[25] nguyên bản đặc trưng phong cách kinh viện của Đorđe Jovanović,[27][28][36] dưới ảnh hưởng cách thức chế tác huân chương của Pháp.[37] Dù có kiểu trang trí không thông dụng, huân chương Vàng là mẫu vật phổ biến trong các bộ sưu tập trang trí Serbia, có giá trị lớn trong giới sưu tập do vẻ đẹp và độ hiếm của nó.[27][28]

Huân chương Bạc

Huân chương Bạc cũng có hình tròn, đường kính 27 mm. Mặt trước thể hiện quốc huy Vương quốc Serbia: đại bàng hai đầu đang bay với khiên trên ngực in hình thập giá đặc trưng bốn điểm, và hai bông huệ dưới chân. Giống như huân chương Vàng, dưới con đại bàng là chữ ký tên viết tắt của Đorđe Jovanović và số năm "1912". Mặt sau giống hệt như huân chương Vàng: khẩu hiệu quốc gia được nửa vòng hoa nguyệt quế và cành sồi bao quanh, giao nhau trên tấm khiên quốc huy Serbia.[42][43][44]

Huân chương được đúc từ hợp kim bạc, đeo trên ngực trái bằng dải ruy băng mang màu quốc kỳ Serbia,[1][23][26] rộng 27 mm, dài gấp đôi, gấp theo hình tam giác.[42][45][46] Cách gấp ruy băng này giống với các huân chương dũng cảm hạng Bạc được trao trong các cuộc chiến trước đó.[8]

Từ khía cạnh nghệ thuật, các nhà nghiên cứu cho là huân chương Bạc trông có vẻ khiêm tốn giản dị và khá bình thường,[25] mẫu mã cũng đơn giản so với với huân chương Vàng[8] nhưng có phong cách tương xứng phù hợp.[27] Một số tác giả cho rằng cả hai loại huân chương đều chỉ được trao trong vòng sáu tháng rồi không được sử dụng nữa,[28][47] còn các nhà nghiên cứu Miloš Žikić và Boris Tomanić lại viết rằng cũng giống như hạng Vàng, huân chương Bạc tiếp tục được sử dụng đến sau cả Chiến tranh thế giới thứ nhất.[35] Trên thị trường sưu tập, huân chương Bạc phổ biến hơn Vàng nên có giá trị thấp hơn.[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Huân chương Dũng cảm (Serbia 1912) http://www.scribd.com/doc/34124510/Serbia-Dinar-04... http://www.scribd.com/doc/34142731/Serbia-Dinar-09... https://web.archive.org/web/20210519230453/http://... https://web.archive.org/web/20211029174859/http://... https://web.archive.org/web/20211104215313/http://... https://web.archive.org/web/20211115094952/http://... https://commons.wikimedia.org/w/index.php?title=Fi... https://commons.wikimedia.org/w/index.php?title=Fi...